Trên hành trình chuyển đổi số, Quảng Ninh xác định phát triển hài hòa ba trục chính: chính quyền số, kinh tế số, và xã hội số. Trong đó, kinh tế số được coi là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, từng bước đưa kinh tế số trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Xác định doanh nghiệp và người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả kinh tế số, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) là minh chứng tiêu biểu, đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với cơ hội rộng mở nhờ TMĐT. Hiện, hơn 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn TMĐT lớn như Voso, Postmart, Tiki.
Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh (https://ocopquangninh.com.vn) giới thiệu đầy đủ 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nước mắm Vân Đồn, hải sản Cô Tô, gà Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui… Các sản phẩm đều tích hợp mã vạch truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, liên kết với đối tác vận chuyển chuyên nghiệp như GHN Express, Viettel Post, và các sàn lớn như Lazada, Shopee, Fado.
Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến (Tiên Yên), chia sẻ: "Quảng bá sản phẩm qua các kênh online đã giúp đơn hàng tăng đáng kể, chiếm hơn 60% doanh thu. TMĐT giúp HTX tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, tạo sức cạnh tranh mạnh trên thị trường." Hiện nay, HTX xuất trung bình 12.000-15.000 quả trứng/ngày, trong đó phần lớn qua TMĐT và mạng xã hội.
Không chỉ TMĐT, mô hình "Chợ 4.0" cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Từ năm 2022, 13 địa phương của tỉnh áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trung tâm và chợ hạng I. Hiện, 100% chợ trung tâm chấp nhận thanh toán qua QR code, ví điện tử, Mobile Money... Tỷ lệ hộ kinh doanh chấp nhận phương thức này đạt 83%.
Kinh tế số không chỉ thay đổi cách thức giao thương mà còn tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng. Đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu:
Tỉnh cũng phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ứng dụng nền tảng số trong quản trị, sản xuất.
Với quyết tâm và định hướng rõ ràng, kinh tế số đang trở thành động lực tăng trưởng, giúp Quảng Ninh hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế số toàn cầu.